Nghị quyết 104/NQ-CP của Chính phủ ban hành liên quan đến việc bổ sung tiêm chủng mở rộng và xác định từ năm 2026 sẽ tiêm vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em gái.
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là một trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu, đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi từ 15 – 44, tỉ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung cao thứ 5 so với các loại ung thư khác. TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Tỷ lệ mắc mới của ung thư cổ tử cung tại nước ta là 13,6/100.000 phụ nữ. Con số này ở Hà Nội là 6,5/100.000, tại TP.HCM là 26/100.000.
Đến nay chưa có thuốc đặc trị HPV gây ung thư cổ tử cung, vì vậy, tiêm phòng vaccine để có kháng thể chủ động là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chi phí tiêm vaccine hiện tại dao động 850.000 đồng đến 2.500.000 đồng cho 1 mũi tiêm, trong đó một người cần tiêm từ 2 đến 3 mũi.
Theo Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 ban hành ngày 15/8 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Y tế.
Cụ thể, đưa vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030. Phạm vi và số đối tượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế.
Việc đưa vaccine ngừa ung thư cổ tử cung vào Chương trình tiêm chủng mở rộng là bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ dành cho việc chăm sóc trẻ em gái và phụ nữ. Nếu việc tiêm phòng được triển khai sẽ giảm thiểu được số ca mắc ung thư cổ tử cung, đồng thời giảm gánh nặng sàng lọc cho cộng đồng.
Nguồn tham khảo:
https://cand.com.vn/y-te/dau-la-can-benh-ung-thu-nguy-hiem-thu-nhi-voi-phu-nu–i662122/